“Thành phố sương mù”, “Thành phố bên bờ vịnh”, “Thành phố của hòa bình và tình yêu” hay “Paris của miền Tây” là những cái tên đặc biệt mà người yêu quý đã dành cho San Francisco. Bởi lẽ, ở thành phố nơi cửa ngõ này, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy sương mù lãng đãng ngay giữa những ngày hè hửng nắng, những tòa lâu đài với mái vòm hay những vườn hoa nghiêng theo con đường dốc đứng. Và đâu đó ở một góc phố, bạn có thể bắt gặp một vài tác phẩm điêu khắc, một bức tranh tường hay cầu thang đi bộ được sơn vẽ đầy độc đáo và sáng tạo…
Sương mù trong nắng ở San Francisco
Đáp xuống sân bay San Francisco trong một buổi chiều hè nắng vàng, trái với cái nóng đổ lửa và oi bức của thời tiết chuyển mùa ở Sài Gòn, bạn sẽ được San Francisco chào đón với khí trời mát mẻ., Thậm chí bạn sẽ phải run lên nếu quên mang theo áo khoác cho một buổi chiều dài dạo chơi khắp nơi. Và chắc chắn, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi giữa mùa hè đầy nắng, San Francisco vẫn được bao phủ bởi những làn sương mù lúc dày, lúc mỏng, nhất là vào sáng sớm và chiều tà. Chẳng thế mà, nhà văn Mark Twain đã phải thốt lên “Mùa đông lạnh nhất mà tôi đã từng trải qua là một mùa hè tại San Francisco”.
Tiết trời mát mẻ và lãng đãng sương mù sẽ khiến bạn chỉ muốn rời khỏi những căn phòng nhỏ để bước ra đường ngay lập tức với tâm trạng đầy háo hức muốn khám phá ngay cái hay, cái lạ của thành phố quá đỗi đặc biệt này.
Cầu Cổng Vàng – Biểu tượng của San Francisco
Ai đã từng thích thú với cảnh James Bond chiến đấu với Max Zorin trong A View To Kill hay hình ảnh cậu bé Hiro cùng người bạn đặc biệt Baymax bay lượn một vòng rất đẹp quanh cầu trong Big Hero 6, hay trường đoạn Ceasar dẫn đầu bầy khỉ “náo loạn” cầu Cổng Vàng trong làn sương mờ ảo, và Caesar đứng trên ngọn cây cổ thụ khổng lồ, nhìn về cầu Cổng Vàng đầy ấn tượng trong phim Rise of the Planet of The Apes, hẳn sẽ vô cùng phấn khích khi được đặt chân lên chiếc cầu huyền thoại nối liền Thái Bình Dương với vịnh , San Francisco này.
Để đến được cầu, bạn sẽ phải đi xuyên qua công viên Presidio nằm dọc theo bờ biển. Khoảnh khắc tuyệt vời nhất chính là lúc bạn được đến sát với nhịp cầu đầu tiên, ngước mắt lên nhìn cây cầu huyền thoại bị bao phủ trong sương mù mờ ảo.Theo từng bước chân của bạn, ánh mặt trời dần nhô lên để lộ ra từng dây văng uốn lượn theo từng ngọn tháp, từng nhịp cầu để rồi cuối cùng phô bày vẻ đẹp trọn vẹn đầy rạng rỡ trong ánh nắng chan hòa.
Bạn cũng có thể đến Cổng Vàng khi trời chiều còn hửng nắng, thả những bước thong dong dọc theo chiếc cầu dài 2,7 km vừa nhìn ngắm những tháp cầu từng một thời giữ kỉ lục cao nhất thế giới cho đến khi đặt chân lên đỉnh đồi Marin. Đây cũng là lúc mặt trời dần lặn xuống Vịnh San Francisco, kéo theo những đụn mây sà xuống bao phủ lấy hai tháp cầu. Sương mù kéo đến trong khi những cơn sóng đang dềnh lên giữa biển khơi. Chiếc cầu trở nên hư ảo bồng bềnh giữa sương mù và bọt sóng, chỉ còn thấp thoáng hai tháp cầu màu đỏ cam sừng sững giữa nền trời xoáy sâu vào lòng đại dương cũng đang dần chìm vào màn đêm tĩnh mịch… Có lẽ, đó là hình ảnh giàu sức gợi nhất trong tâm tưởng của người trải nghiệm.
Lombard – Con đường ngoằn ngoèo nhất nước Mỹ
Được tạo nên từ tám khúc cua gấp, ngoằn ngoèo với độ dốc lên đến 27¬0 xuyên qua các khu biệt thự cổ xinh đẹp kiểu kiến trúc Victoria, đường hoa Lombard trở thành một điểm đến thú vị mà bạn không thể bỏ qua.
Phố hoa Lombard bắt đầu ở The Presidio và chạy về phía Đông, qua khu Cow Hollow, đồi Nga và kết thúc ở phố Leavenworth ở phía dưới cùng. Đây cũng là vị trí lý tưởng để bạn ngắm con đường hoa có một không hai với hình ảnh những chiếc ôtô nối đuôi nhau xuống dốc , một cách chậm chạp và những ngôi nhà dọc phố với mái vòm như nghiêng theo con đường. Hãy nhớ, những vòm hoa đủ loại đủ màu chạy theo đường zig zag một cách sống động và lãng mạn này sẽ đẹp nhất vào những ngày xuân hè kéo dài sang thu, khoảng độ tháng 3 đến tháng 12.
Một vé đi cable car
Để cảm nhận hết vẻ đẹp của từng ngọn đồi, từng góc phố ở San Francisco, bạn có thể leo hết con dốc này đến con dốc khác rồi dừng lại ở quán café Ritual dọc đường Valencia. Bạn cũng có thể tản bộ trên đường Steiner, dọc công viên Alamo Square để ngắm nhìn những ngôi nhà có tên Painted Ladies xinh xắn đủ màu với lối kiến trúc Victoria đặc trưng. Nhưng hãy thử một lần đi xe cáp điện (cable car) để ngắm nhìn quang cảnh dọc hai bên phố qua ô cửa xe cổ kính và tìm hiểu thêm về phương tiện đi lại từng một thời rất đặc trưng của San Francisco này.
Bước lên những chiếc xe cáp đầy màu sắc, bạn sẽ khám phá được rất nhiều điều thú vị của loại xe đặc biệt này khi xe chạy và dừng ở giữa đường theo tuyến cáp cố định, những chiếc ghế cũ kỹ vẫn được giữ nguyên. Thay vì những tiếng còi xe khó chịu bạn sẽ được nghe những tiếng chuông leng keng vui tai khi xe sắp dừng đón hoặc trả khách. Đây cũng là hệ thống xe điện cáp cuối cùng trên thế giới còn chạy. Hiện tại, San Francisco có 3 đường xe điện cáp còn hoạt động là Powell – Mason, Powell Hyde và California Street, bạn có thể đón các tuyến xe cáp lên đỉnh đồi Nob hay qua khu China Town và hoặc xuống những điểm du lịch hấp dẫn dọc bờ biển như Bến Ngư phủ (Fisherman’s Wharf) và Cầu tàu 39 (Pier 39), nơi có những nhà hàng hay quán nhỏ phục vụ hải sản và món cua Dungeness đặc sản.
Còn rất nhiều điều để kể về San Francisco, còn rất nhiều nơi bạn có thể khám phá ở Thành phố đặc biệt này. Chẳng thế mà không ít người đã phải thốt lên rằng trái tim đã bị đánh rơi đâu đó khi đến nơi này như lời Tony Bennett vẫn cất lên da diết trong “I left my heart in San Francisco” hay Scot McKenze với lời thủ thỉ “If you’re going to San Francisco” khi bạn chọn Thành phố duyên hải bờ Tây nước Mỹ cho hành trình sắp tới. Hãy đi, hãy trải nghiệm và cảm nhận San Francisco theo cách của riêng mình
Want to receive special offers and lastest updates from YNG Career?
Subscribe to our mailing list and get special offers and updates to your email inbox.